Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Nghệ An: Trường học bị thay tên, đổi chủ bất thường, giải thể trái luật!


Thành lập trường từ con số không

Qua xác minh chúng tôi được biết, nhằm hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục do tỉnh Nghệ An phát động, năm 1997 UBMTTQ tỉnh Nghệ An cùng nhóm nhà giáo hưu trí đã quyết tâm xây dựng đề án thành lập Trường THPT dân lập Hữu Nghị. Ngày 2/3/1998 UBND tỉnh Nghệ An có quyết định số 587 cho phép thành lập Trường THPT dân lập Hữu Nghị từ năm học 1998- 1999.

Theo đó, UBMTTQ tỉnh Nghệ An được giao trọng trách là đơn vị bảo trợ trường. Tiếp đó, UBMTTQ tỉnh đã bầu ra HĐQT gồm 3 thành viên, bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh được cử làm Chủ tịch HĐQT trường, ông Lê Đình Vợi- Ủy viên HĐQT giữ chức Hiệu trưởng nhà trường, ông Lê Bá Trắc- Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh được bầu làm Ủy viên HĐQT.

Theo phản ánh, Trường THPT dân lập Hữu Nghị được thành lập từ con số không, "không có kinh phí, không có cơ sở vật chất". Tuy nhiên, sau gần 1 năm hoạt động, HĐQT nhà trường đã đầu tư nhiều công sức, đi vay mượn và huy động tiền của từ cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhà trường để mua lại Xưởng cơ khí 5/8 tại số 98 phố Đội Cung (trụ sở Trường THPT dân lập Hữu Nghị ngày nay) làm trường học.

Ngày 9/6/1999 UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 433 chính thức giao 3.808m2 đất tại địa chỉ trên để cho trường xây dựng trường học. Tài sản trên đất tại thời điểm này chỉ có một nhà kho lợp tôn dột nát, tạm thời ngăn thành 6 phòng học tạm bợ và một ngôi nhà cấp 4 chia thành 5 gian để lấy chỗ làm việc cho cán bộ, giáo viên trong trường.

Góp công sức, tiền của xây trường nhưng không đòi hỏi quyền lợi

Để đảm bảo phòng học đủ tiêu chuẩn cho học sinh và thu hút học sinh vào học, HĐQT nhà trường đã quyết định huy động vốn từ các thành viên HĐQT, các thầy giáo sáng lập trường, tiền đóng góp của cán bộ, giáo viên, tiền đóng góp xây dựng của học sinh và vay quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, đồng thời làm tờ trình xin xây dựng trường và được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận, phê duyệt tại QĐ 1073.

Từ đây, trường đã có một ngôi nhà 2 tầng gồm 10 phòng học, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy và học cũng được nâng lên. Tuy vậy, xây trường xong thì nợ nần lại chồng chất, HĐQT trường đã phải thống nhất quan điểm vì lợi ích chung, vì sự phát triển của nhà trường nên các thành viên của HĐQT, các thành viên sáng lập trường tự nguyện hy sinh, góp công, góp của mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Khi nào trường trả xong nợ mới giải quyết chế độ, quyền lợi cho anh, em.

Năm 2003, thực hiện quyết định số 41 của UBND tỉnh Nghệ An, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, UBMTTQ tỉnh Nghệ An không thể tiếp tục làm cơ quan bảo trợ cho trường được nữa. Ban thường vụ UBMTTQ tỉnh đã giới thiệu Cty Vật tư nông nghiệp tỉnh Nghệ An (Cty VTNN) làm cơ quan bảo trợ và được UBND tỉnh chấp thuận tại quyết định 3090.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty VTNN Nghệ An Trương Văn Hiền được cử làm Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Hữu Nghị. Tiếp nhận ngôi trường với muôn vàn khó khăn, bởi lúc này trường vẫn con nợ đọng đến 662 triệu đồng và một lần nữa UBMTTQ tỉnh, HĐQT cũ và những người sáng lập ra ngôi trường khi bàn giao trường cũng không đòi hỏi gì về quyền lợi.

Trường bị thay tên, đổi chủ bất thường…

Năm 2009, thực hiện Thông tư số 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đổi các trường THPT dân lập sang tư thục, ngày 3/6/2010 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch 168 về việc chuyển đổi loại hình trường dân lập sang tư thục. Trong kế hoạch, Trường THPT dân lập Hữu Nghị sẽ phải thực hiện chuyển đổi thành trường tư thục và phải báo cáo kết quả thực hiện trước tháng 10/2010. Kế hoạch chuyển đổi là vậy, nhưng không hiểu sao lại không thực hiện được?

Trao đổi với phóng viên NBCL, một số thành viên có công đóng góp từ ngày đầu thành lập Trường THPT dân lập Hữu Nghị bức xúc cho biết: Trong lúc chúng tôi vẫn đang mong chờ trường sẽ được chuyển đổi thành trường tư thục thì bất ngờ, ngày 13/8/2012 UBND tỉnh Nghệ An có quyết định 3053 "thay tên, đổi chủ" từ Trường THPT dân lập Hữu Nghị do Cty VTNN Nghệ An bảo trợ thành trường công lập- lấy tên là Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An và được giao cho Sở VHTTDL trực tiếp quản lý điều hành. Điều đáng nói là, trong lúc trường vẫn đang đào tạo 6 lớp văn hóa (từ lớp 10 đến lớp 12) thì ngày 31/10/2012 Sở VHTTDL lại bất ngờ công bố quyết định bổ nhiệm ông Lô Trung Thành- Phó GĐ Sở VHTTDL kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường NKTDTT(!?).

Cũng theo phản ánh, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 3053 "hóa phép" Trường THPT dân lập Hữu Nghị thành trường công lập- Trường NKTDTT chỉ dựa vào tờ trình của Ban giám hiệu nhà trường, và của một số sở ngành. Trong khi đơn vị bảo trợ trường là Cty VTNN Nghệ An và Chủ tịch HĐQT trường lại không hề hay biết (!?). Trong khi, thực tiễn cho thấy, chỉ có trường bán công mới được phép chuyển đổi thành trường công lập, còn trường dân lập chỉ được phép chuyển đổi thành trường tư thục theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 11/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Mặt khác, chiếu theo Điều 53 của Luật Giáo dục và Điều 12 Quyết định số 39 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động các trường ngoài công lập thì Hội đồng quản trị được quy định cụ thể: "HĐQT là tổ chức đại diện quyền sở hữu của nhà trường, có trách nhiệm và quyền tự chủ quyết định những vấn đề quan trọng về quy hoạch, kế hoạch phát triển, tổ chức, nhân sự và tài chính, tài sản nhà trường".

Như vậy, có thể thấy, quy trình chuyển đổi trường dân lập sang công lập đang thể hiện rõ sự khuất tất và có dấu hiệu lạm quyền, chiếm quyền của một số tập thể, cá nhân có liên quan (!?). Đặc biệt, vài trò của đơn vị bảo trợ trường và Chủ tịch HĐQT nhà trường đã bị vô hiệu hóa đến khó hiểu? Dư luận đang đặt câu hỏi: Việc UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định 3053 "thay tên, đổi chủ" Trường THPT dân lập Hữu Nghị thành Trường NKTDTT và từ đơn vị bảo trợ trường là Cty VTNN chuyển giao cho Sở VHTTDL làm chủ quản có vi phạm các quy định của pháp luật?

Giải thể trái pháp luật!

Chưa dừng lại ở đó, trong bối cảnh Trường THPT dân lập Hữu Nghị đã bị UBND tỉnh Nghệ An "thay tên đổi chủ" thành Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao tỉnh Nghệ An và giao Sở VHTTDL trực tiếp quản lý thì mới đây, ngày 8/9/2012 UBND tỉnh Nghệ An lại ban hành quyết định 3438 giải thể Trường THPT dân lập Hữu Nghị, tại quyết định này UBND tỉnh còn khẳng định ngôi trường này "do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư, xây dựng… tài chính không có các khoản nợ chưa thu hoặc nhà trường nợ".

Từ thực tế này cho thấy, không hiểu UBND tỉnh Nghệ An căn cứ vào đâu để ra quyết định giải thể một ngôi trường đã không còn tồn tại và cũng không biết căn cứ vào đâu để khẳng định rằng Trường THPT dân lập Hữu Nghị được thành lập bởi cộng đồng dân cư ở cơ sở? Trong khi, lý lịch của những nhà giáo và UBMTTQ tỉnh đứng ra xây dựng đề án và xin thành lập Trường THPT dân lập Hữu Nghị đã quá rõ ràng? Trước những khuất tất kể trên, dư luận nghi vấn: Phải chăng UBND tỉnh Nghệ An biết rằng việc "hóa phép" từ trường dân lập sang trường công lập có dấu hiệu vi phạm pháp luật vì thế quay sang làm thủ tục xin giải thể trường Hữu Nghị để hợp thức hóa sai phạm? Hành vi "trảm trước tấu sau" này sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?

Chí Tuyên – Đức Thuận



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét