Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Lạ lùng tộc người ngủ ngồi, xác chết đóng khố ở Nghệ An


Những tập tục như ngủ ngồi, đẻ ngồi; người chết ở trần, đóng khố không có áo
quan… vẫn đang tồn tại ở tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

1. Vừa nghe chúng tôi hỏi về nguồn gốc của tộc người Đan Lai, thầy giáo La Đình
Thám, 67 tuổi, nguyên giáo viên Trường tiểu học Môn Sơn 3 (xã Môn Sơn, huyện Con
Cuông, Nghệ An), kể lại truyền thuyết của dân tộc mình: Từ thời xa xưa lắm rồi,
có một chàng trai nghèo họ La, bỏ làng Đan Nhiệm (huyện Nam Đàn) ngược lên miền
Hoa Quân (huyện Thanh Chương) tìm vợ rồi ở luôn tại đó, sinh con đẻ cháu ngày
một đông đúc.

Khách du lịch ngược sông Giăng vào thăm tộc người Đan Lai.

Nhờ tính hay lam hay làm nên đã có của ăn của để. Sự giàu có của dòng họ này đã
đẩy con cháu mình vào một bi kịch. Do ghen ăn, tức ở, bọn chức dịch trong làng
đã dùng mưu gian, kế hiểm đẩy dòng họ La vào bước đường cùng. Khi dòng họ La
đang sống yên bình, thì bỗng có chiếu vua ban xuống, quan sức về làng. Trong
chiếu nhà vua bắt dòng họ La trong vòng 10 ngày phải nộp cho triều đình một
chiếc thuyền liền mái chèo và 100 cây nứa vàng nếu không cả họ sẽ bị chém đầu.

Để tránh họa đầu rơi, máu chảy, cả dòng họ La, già trẻ, gái bằng được trai vội
vã bủa vào rừng thiêng, nước độc tìm kiễm lễ vật ấy cho vua. Nhưng họ cứ đi, đi
mãi, ngày đêm không nghỉ, lục tìm hết cả đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ mà vẫn
không thể tìm ra được những sản vật quái gở ấy… Tay không trở về làng khi thời
hạn đã gần hết, nhân một đêm tối trời cả dòng họ La bàn nhau bỏ trốn.

Họ ngậm ngùi bồng bế, dắt nhau rời làng trốn vào rừng sâu, họ ngược dòng sông
Giăng đi mãi, đi mãi đến tận nơi sơn cùng thuỷ tận đến khi tối mịt, cả đoàn
người mệt mỏi mới dám tựa vào gốc cây, hang đá nghỉ lưng chờ trời sáng để đi
tiếp. Điểm dừng chân cuối cùng của họ là một vùng núi non hiểm trở, cây cối
hoang sơ, không có một dấu chân người, đó là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát
bên dòng sông Giăng đầy thác ghềnh hung dữ.

Ngày đó nơi họ dừng chân chỉ có thú dữ và chim chóc, không có một bóng người lai
vãng. Hy vọng sẽ không ai biết họ ở đây để báo cho vua chúa đem quân đến giết
hại nữa, dòng họ La quyết định "đóng đô" lại đây.

Cuộc đào tẩu vào giữa đại ngàn Trường Sơn của tộc người Đan Lai đã được đưa vào
bài cúng tổ tiên: "Theo dấu chân nai/ đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ/ đi
trồng hạt ngô/lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như
dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều…".

2. Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Vương, thì cuộc chạy trốn bất đắc
dĩ và đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương
đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng,
nước độc. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những con người thậm khổ này
bắt buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang và phải chấp
nhận hôn nhân cận huyết. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt,
hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua
ngày.

Trẻ con Đan Lai làm quen với cuộc sống săn bắt, hái lượm.

Cả chiều dài lịch sử đằng đẵng lánh nạn giữa nơi thâm sơn cùng cốc, dòng họ La
dần dần giao tiếp được với một số dân tộc thiểu số bản địa như người Thái, người
Thổ, họ chấp nhận lai tạp thêm vào tiếng mẹ đẻ của mình các từ ngữ của các dân
tộc khác để che giấu thân phận và nguồn gốc của mình.

Họ tự đặt tên tên cho dòng họ của mình là Đan Lai. Đan là ý muốn chỉ tộc người
của mình xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn Lai ý nói là mọi thứ kể cả con người,
tiếng nói, phong tục đều đã bị "lai tạp". Đây là lý do giải thích vì sao tiếng
nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường – Việt ngữ cổ. Bị
cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói
mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của
dân tộc mình… Đây là những nguyên nhân hình thành những phong tục, lối sống
rất khác lạ với đời sống hiện đại.

Thầy giáo La Đình Thám giải thích thêm: Cả tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu
bằng hái lượm giống như thời hồng hoang nguyên sơ của loài người nên họ đã duy
trì nhiều tập tục xa lạ với các dân tộc khác. Khi chết người Đan Lai không được
mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất, ngủ ngồi, con cháu
trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện quá bình thường…

Ông Thám kể câu chuyện về người bác ruột tên là La Văn Khằm. Năm 1960, khi đang
làm cán bộ HĐND huyện Con Cuông, ngày nghỉ ông Khằm về thăm gia đình và bị ngã
bệnh qua đời đột ngột. Dịp đó, lãnh đạo huyện đưa hòm gỗ về bản để làm thủ tục
khâm liệm cho người quá cố, nhưng từ người nhà đến già làng, dân bản đều nhất
quyết cự tuyệt. Họ quan niệm rằng chôn cất ông Khằm bằng hòm gỗ là sai lệ làng
và khi xuống cõi âm người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận.

Tám đứa trẻ của 1 gia đình người Đan Lai.

Trước sức ép của chính quyền, ông Khằm đã được nhập quan, nhưng khi chôn cất
xong, cán bộ huyện vừa ra khỏi bản thì dân bản đào huyệt đưa lên xác ông Khằm
lên để làm thủ tục chôn trần theo phong tục của dân bản…

Thượng tá, Nguyễn Văn Vượng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn (Đồn 555), cho
biết: Hiện số người Đan Lai tại huyện Con Cuông có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân
khẩu. Trong đó riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu sống tập trung chủ
yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn (217 hộ), số còn
lại sống ở 2 xã Lục Dạ (55 hộ) và Yên Khê (36 hộ). Từ năm 2008 đến nay, tộc
người Đan Lai được Nhà nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều.

Do quan niệm "trời sinh voi trời sinh cỏ" nên người Đan Lai sống phóng khoáng
như núi rừng, cỏ cây, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13-14 tuổi nên bình
quân họ từ 4 đến 6 người con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 đứa con.

Phụ nữ Đan Lai mới 13-14 tuổi đầu đã lấy chồng. Một mình vào rừng "vượt cạn" đẻ
ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù là nắng hay
mưa, dù cho rét căm căm đến ghê người vẫn mẹ đem xuống suối để tắm 3 lần. Đến
khi da dẻ bị tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà nuôi.

Những đứa trẻ Đan Lai đứa nào cũng có đôi mắt rất đẹp, xanh trong như dòng nước
sông Giăng nhưng hễ gặp người lạ là chúng đều cúi gằm mặt xuống. Dường như sự
mặc cảm về thân phận của cả tộc người đã ăn sâu trong tâm hồn của bọn trẻ giữa
chốn thâm sơn cùng cốc này.

3. Tộc người Đan Lai có tập tục lạ lùng là không bao giờ ngủ nằm. Tục ngủ ngồi
ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con trở thành thói quen của tất cả mọi
người.

Già làng La Văn Quyết giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc phải thường
trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó
cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình
rập. “Nhờ tục ngủ ngồi mà người Đan Lai tồn tại được đến ngày hôm nay đấy”, gi�
Quyết nói.

Từ hơn 300 trăm năm nay tộc người Đan Lai luôn sống trong cảnh không có nhà, chỉ
lấy cành cây dựng tạm thành cái lều ở tạm cho đén khi hỏng thì mới làm lại. Mỗi
khi màn đêm buông xuống, trong túp lều tạm bợ ấy, cả gia đình họ chỉ dám ngồi
quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ tấn công.

Tục ngủ ngồi của người Đan Lai.

Lâu dần thành thói quen, ngồi thâu đêm như vậy ai cũng mệt nhoài, chỉ dám tranh
thủ chợp mắt để khi có thú đến còn có đà chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Cho đến tận
bây giờ, ngủ ngồi đã thành một tập tục của tộc người Đan Lai. Trẻ con lớn lên
chỉ cần biết ngồi vững là đã phải học cách ngủ ngồi!

Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa, tộc người này còn có thể ngủ
trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Theo già Quyết, cứ mỗi
chuyến đi săn ít nhất cũng tới vài ngày. Những lúc như vậy những người đi săn
thường phải trèo lên cây cao để ngủ nhằm tránh thú dữ. Chỉ cần vài ba đoạn cây
buộc vào nhau làm điểm tựa là họ ngủ ngồi suốt đêm trên cây.

"Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không có
thói quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua
sắm giường chiếu. Mới đây, do được tuyên truyền vận động, cũng có nhà trong bản
sắm giường, nhưng khi ngả lưng nằm lại thấy rất khó chịu, đau lưng nên đã quay
sang ngủ ngồi", già Quyết nói.

(Theo NNVN)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét