Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Nguy cơ mất an toàn các hồ đập ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh - Nhân Dân


Ðập Tây Nguyên có dung tích 1,2 triệu m3 được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu về nước tưới cho hơn 200 ha. Việc quản lý và vận hành đập được giao cho UBND xã Quỳnh Thắng mà trực tiếp là một hợp tác xã (HTX) và đơn vị này lại giao cho tư nhân bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Quỳnh Lưu, trên địa bàn hiện có hơn 100 hồ đập lớn nhỏ do địa phương quản lý. Lớn nhất là hồ Vực Mấu nằm trên cả địa bàn huyện Yên Thành có tổng dung tích lên đến 110 triệu m3. Hầu hết các hồ, đập này đều giao cho các HTX quản lý, những người vận hành đóng, mở cửa cống ở đây cũng chưa được đào tạo cách vận hành quản lý hồ chứa.

Huyện Ðô Lương cũng là một trong các địa phương có nhiều công trình tưới tiêu thủy lợi với 80 công trình hồ, đập lớn nhỏ, có nhiệm vụ bảo đảm tưới tiêu cho hơn bảy nghìn ha lúa hai vụ, trong đó có 69 công trình do địa phương quản lý. Có nhiều hồ, đập có dung tích lớn hơn năm triệu m3 nước, khoảng 20 hồ, đập có dung tích hơn một triệu m3 nước, còn lại phần lớn là các hồ, đập có sức chứa dưới một triệu m3 nước. Trong đợt mưa lũ năm 2012 mới đây tại xã Mỹ Sơn, lượng nước từ thượng nguồn, khe suối đổ về làm cho công trình đập Khe Su (xóm 10) bị vỡ thân đập gần 40 m, với khối lượng 500 m3 đất đá trôi xuống đồng lúa hè thu đang sắp thu hoạch. Tại xã Giang Sơn Tây, đập tràn Ngọc Thành tại hồ Ðồng Cá bị vỡ làm ngập và mất trắng hơn 20 ha lúa hè thu. Trên địa bàn huyện miền núi Tân Kỳ hiện có 120 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có hai đập đang trong tình trạng báo động sạt lở thân đập. Ðó là đập Trăn, xã Nghĩa Bình và đập 271, xã Kỳ Sơn. Trên địa bàn huyện Nghĩa Ðàn có 113 hồ, đập lớn, nhỏ do huyện quản lý. Các hồ, đập nêu trên phần lớn xây dựng đã lâu, chủ yếu đắp bằng đất thủ công cho nên xảy ra tình trạng xói lở nhẹ ở mái thượng lưu các đập, như đập Tân Thai ở xã Nghĩa Lợi, đập Cây Chanh ở xã Nghĩa Hội.

Không chỉ các hồ, đập ở Nghệ An xuống cấp, hồ, đập ở Hà Tĩnh cũng trong tình trạng thiếu an toàn. Ðập Trạng ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, dung tích chứa 1,3 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 100 ha lúa, màu. Do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho nên khi tích nước lại phun ra thành dòng ở hai bên mang đập, nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mới đây, hàng chục m3 đất đá bị sụt lún ngay cạnh vị trí cống lấy nước, làm biến dạng cả phần thân đập. Huyện Hương Khê có 153 hồ, đập, nhưng chủ yếu là hồ, đập nhỏ, xây dựng từ khá lâu, lại không có kinh phí sửa chữa cho nên phần lớn bị xuống cấp. Hiện, có đến một phần ba số hồ, đập không bảo đảm an toàn, trong đó đập Trạng và đập Bến (Phương Mỹ) trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Không chỉ ở huyện Hương Khê, các đập: Nội Tranh, Khe Dẻ (Sơn Lễ); Chọ Trâm, Vực Rồng (Sơn Tiến)… ở huyện Hương Sơn, bị xói lở mang tràn và sụt lún mang cống lấy nước. Ðập Ðá Bạc (thị xã Hồng Lĩnh), An Hùng (huyện Can Lộc)… hiện tượng nước thấm chảy thành dòng, vai đập và mái đập chưa được xử lý, nguy cơ mất an toàn khá cao. Tại huyện Kỳ Anh, phía nam của tỉnh Hà Tĩnh, hồ Khe Bò (xã Kỳ Nam) nằm ngay dưới chân đèo Ngang, thân đập đã bị võng xuống; sụt lún ngay mang cống thành một hố to. Các đập Tân Phong (xã Kỳ Giang), đập Ðá Ðen (xã Kỳ Phú), đập Cồn Ðền (xã Kỳ Hoa), đập Vàng Tim, đập Chàng Vương (xã Kỳ Lạc)… thân đập, tràn, cống đều bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh Ðặng Ngọc Sơn cho biết: Ngoài một số hồ chứa nước lớn do tỉnh quản lý đang được xây dựng và nâng cấp theo tiêu chuẩn thiết kế mới, còn lại phần lớn hệ thống các hồ, đập nhỏ do địa phương cấp xã, huyện quản lý đều xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên do chủ yếu là những hồ, đập nhỏ này đều được xây dựng từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thời điểm đó, các tài liệu quan trắc khí tượng thủy văn còn nhiều hạn chế; chủ yếu đắp đập đất, làm thủ công, thi công thô sơ… Bên cạnh đó, Hà Tĩnh có 354 hồ đập (dung tích hơn 785,6 triệu m3 nước), trong đó 18 hồ có dung tích từ ba triệu m3 trở lên nhưng chỉ có năm hồ chứa có tràn điều tiết sâu (Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn…), còn lại đều có dạng tràn tự do. Tuy nhiên, hệ thống tràn xả lũ đều có kích thước nhỏ. Nhiều tuyến tràn bị cây cối mọc lấn chiếm cả chiều rộng thoát lũ của tràn, thậm chí có nơi người dân còn làm cả nhà trên tràn thoát lũ, như đập Làng (xã Hương Thủy). Trong khi đó rừng đầu nguồn bị khai thác cạn kiệt làm cho dòng chảy tập trung nhanh hơn, vượt quá tần suất thiết kế ban đầu, vì vậy hệ thống tràn không đủ khả năng tháo lũ, đe dọa an toàn đập. Bên cạnh đó, hầu hết các hồ, đập ở đây đều không có cầu công tác. Ngoài ra, phần lớn các cống lấy nước dưới đập đều thiết kế theo tiêu chuẩn cũ, kích thước nhỏ, không có hành lang kiểm tra. Vì vậy quá trình quản lý, khai thác không thể theo dõi hiện trạng của cống để phát hiện và xử lý kịp thời. Ðến khi phát hiện thì các hư hỏng đã ở mức báo động và hết sức khó khăn trong việc sửa chữa. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Văn Hoa, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 625 hồ chứa nước lớn nhỏ, với dung tích hơn 387 triệu m3. Các hồ nước này, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho 40 nghìn ha đất sản xuất, phục vụ dân sinh, còn có nhiệm vụ điều tiết lũ bảo vệ vùng hạ du. Các hồ, đập chứa nước tại Nghệ An chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến 1980 cho nên hiện nay đều nằm trong tình trạng thiếu an toàn, nguy cơ vỡ hồ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 500 hồ chứa không bảo đảm an toàn, nếu có mưa lũ lớn thì sẽ đối mặt với nguy cơ vỡ hồ chứa. Tổng kinh phí cấp hằng năm hạn hẹp, từ sáu đến bảy tỷ đồng. Chừng đó chỉ phân chia đủ sửa chữa được từ bảy đến tám công trình với số vốn mỗi công trình vài trăm triệu đồng. Hai năm gần đây, do khó khăn về tài chính cho nên khoản này đã bị tạm cắt, chỉ thực hiện được một số dự án nhỏ chủ yếu nâng cấp phần đầu mối. Dự án nâng cấp đầu mối công trình hồ Khe Tiến ở xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc, tổng mức vốn đầu tư 85 tỷ đồng được phê duyệt từ năm 2008 đến nay vẫn chưa có vốn để thi công…

Với thực trạng nhiều công trình hồ đập ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã xuống cấp, trong khi yêu cầu bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi đang hết sức cấp bách, vì vậy Chính phủ, các bộ, ngành cần có giải pháp ưu tiên nguồn kinh phí cho công tác này.

Source Article from http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/nguy-c-m-t-an-toan-cac-h-p-khu-v-c-ngh-an-ha-t-nh-1.377673



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét