Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Sẽ nhanh chóng tìm nguyên nhân cái chết 3 trẻ ở Nghệ An


Quan trọng nhất là người dân phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ

Trao đổi với PV, GS. TS Nguyễn Trần Hiển, viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bộ Y tế đã cử đoàn công tác vào huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) làm việc liên quan đến vụ việc 3 trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin. Các mẫu vắc xin cũng đã được Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An cùng cục Vệ sinh dịch tễ Trung ương giữ lại để điều tra làm rõ. “Hiện tại, chúng tôi chưa thể nói trước được điều gì. Trong một hai ngày tới, chậm nhất là tuần sau sẽ có kết quả về vụ việc. Nếu phát hiện sai phạm ở đâu sẽ xử lý thích đáng”, ông Hiển khẳng định.

Lý giải cho những tai biến sau khi tiêm vắc xin cho trẻ xảy ra thời gian qua, GS. Hiển dẫn chứng, năm 2012, Việt Nam có 12 ca nhập viện sau tiêm chủng và 9 ca tử vong. Hội đồng chuyên môn đã phân tích những ca này không liên quan đến tiêm chủng. Khi trẻ tiêm vắc xin và sau đó có các phản ứng tại chỗ sau tiêm như sưng tấy, đau, khó chịu… là hoàn toàn bình thường.

Theo ông Hiển, nguyên nhân là do có nhiều trẻ cơ thể quá mẫn cảm và kích ứng với kháng nguyên lạ. “Cũng như các dược phẩm hay thực phẩm khác, vắc xin là một loại thuốc. Đã là thuốc thì thuốc nào cũng có thể có những phản ứng không mong muốn. Vì vậy, những bậc phụ huynh không nên quá lo lắng mà hãy đưa trẻ đi tiêm chủng để ngừa các bệnh nguy hiểm”, ông Hiển nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, trạm trưởng Trạm y tế xã Châu Quang làm việc với PV. Ảnh: H.H.T

Đến nay, nguyên nhân những ca tử vong tại Nghệ An có liên quan tới vắc xin hay không vẫn chưa được giải đáp. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi, vắc xin có thực sự là “tử thần”?. Trước thực tế này, GS. TS Nguyễn Thu Vân, giám đốc Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 nhận định, vắc xin cơ bản là an toàn. Trong quá trình tiêm phòng, mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau. Chính vì thế, khi tiêm vào có trẻ bị sốt nhẹ, sốt cao, thậm chí bị sốc phản vệ… Hiện tượng này xảy ra do kháng nguyên trong vắc xin khi vào cơ thể gây phản ứng. Một số trường hợp phản ứng mạnh, trẻ có thể bị sốc. Tuy nhiên, dù có sốc với loại vắc xin nào đi chăng nữa thì các bác sĩ, y tá tại chỗ tiêm sẽ biết cách giải quyết.

GS. Vân cho biết, trong những trường hợp đó, các bác sĩ sẽ tiêm cho trẻ thuốc chống sốc phản vệ. Do đó, nhất thiết các bậc phụ huynh phải để trẻ nán lại thêm 30 phút để phòng trường hợp bị sốc. “Trên thực tế, nhiều bà mẹ sau khi tiêm vì sốt ruột nên đưa con về ngay. Và sau đó, đứa trẻ bị sốc phản vệ đã không có thuốc tiêm kịp thời. Vì vậy, có những kết quả không mong muốn”, GS. Vân nói thêm.

Mới đây, tại hội nghị về tiêm chủng mở rộng, thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, tỷ lệ tử vong sau tiêm chủng mở rộng ở nước ta thấp hơn mức chuẩn chung của thế giới. “Về tiêm chủng mở rộng, chúng tôi cho rằng, mặc dù đã làm được nhiều việc nhưng vì một vài trường hợp tử vong liên quan đến tiêm chủng nên dẫn đến sự e ngại trong người dân. Nhiều ông bố bà mẹ không muốn cho con em đi tiêm”, ông Long nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, theo các báo cáo về tiêm chủng mở rộng, từ năm 2009 đến nay, toàn quốc có 55 trường hợp tử vong nghi liên quan đến tiêm chủng mở rộng. Sau khi điều tra, chỉ có 17 trường hợp tử vong là có liên quan đến tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ đó ở nước ta thấp hơn nhiều so với chuẩn chung của thế giới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về vắc xin, việc 3/65 trẻ tử vong sau khi tiêm chủng trong một xã lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta là dấu hiệu bất bình thường. Bộ Y tế cần sớm làm rõ nguyên nhân để không gây hoang mang cho người dân.

 

 

Anh Văn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét