Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Khởi đầu của những điều thú vị


(VnMedia) - "Không được bớt tiền lẻ của các cụ mà phải làm tròn lên đấy nhé", " Không được phép chi trả tiền ránh, nát… Phải nhanh chóng đổi tiền mới cho các cụ", " Bão chết cò cũng phải chi đúng hẹn…", …những chỉ đạo tưởng là đơn giản, nhưng phải tới tận nơi, chứng kiến việc chi trả lương hưu, BHXH mới thấy  thật thiết thực và rất được lòng dân.

Vị ngọc của…lương hưu

Khởi đầu của những điều thú vị

Điểm chúng tôi đến mục sở thị mô hình chi trả lương hưu, Bảo hiểm xã hội (BHXH) qua bưu
điện là tỉnh Nghệ An.

Khởi đầu chuyến đi, chúng tôi đã có những niềm vui nho nhỏ, những khám phá mới về con người ngành Bưu chính. Tất thảy những người trong đoàn ai cũng hào hứng, xen lẫn những tò mò.

Người gây ngạc nhiên đầu tiên cho phần lớn cánh nhà báo chắc hẳn là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Phạm Anh Tuấn, người song hành cùng đoàn.

Trên chuyến xe vào Nghệ An, anh khiến mọi người bị "kích động" trí tò mò. Anh Tuấn nói rằng, chuyến đi này sẽ không có gì là "tô hồng" mà tự các nhà báo cảm nhận về mô hình dịch vụ mới, và tận mắt chứng kiến những cố gắng của ngành Bưu chính sau khi chia tách.

" Các bạn về xem ông "Trần Sung" làm bưu chính nhé!", riêng câu nói này của vị Phó Tổng đã khiến chúng tôi thêm tò mò ( đây là câu chuyện hay xin được viết ở một bài khác).

Là người từ đơn vị khác chuyển đến, và cũng mới ngồi vào vị trí lãnh đạo không lâu, ấy vậy mà với anh Tuấn "gi gỉ gì gi, cái gì cũng biết", nhất là công tác chi trả lương hưu, BHXH qua bưu điện.

Cánh nhà báo có lúc bật cười vì cuộc nói chuyện điện thoại giữa anh Tuấn với Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An: " Không được bớt tiền lẻ của các cụ mà phải làm tròn lên đấy nhé", " Không được phép chi trả tiền ránh, nát… Phải nhanh chóng đổi tiền mới cho các cụ…".

Tưởng là đơn giản, gây cười, nhưng phải tới tận nơi, chứng kiến việc chi trả mới thấy có được chỉ đạo này phải là người rất hiểu công việc , bởi nó thật thiết thực và rất được lòng dân.

Chợt nhớ tới thuật ngữ CRM – Customer Relationship Management (nôm na là quản trị quan hệ khách hàng), một xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp hướng tới thay vì chỉ chú trọng tới tăng doanh số bán hàng. Nói một cách khác, CRM chính là một chiến lược tối ưu cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Hiểu được khách hàng, xác định rõ chân dung khách hàng của mình, biết rõ họ là ai và họ muốn gì…chính là một phần thành công của doanh nghiệp. Chỉ đạo "nho nhỏ"của vị Phó Tổng GĐ cho thấy, họ – những con người ngành Bưu chính đã hiểu rõ, ý thức rõ cần mở rộng những dịch vụ nào, cũng như khách hàng của ngành mình là những ai. Ở một khía cạnh khác, chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi rất đỗi nhân văn của một ngành phục vụ phần lớn các dịch vụ công của Nhà nước.

Ảnh minh họa

Người dân rất hài lòng khi nhận tiền đúng hạn và được đổi lại nếu tiền có tiền cũ, nát.

Về nơi có tỷ lệ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất

Sau chặng đường dài tới thành Phố Vinh, Nghệ An, chúng tôi tiếp tục hành trình tới huyện Anh Sơn, một huyện miền núi thuộc miền Tây Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 100 km.

Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An, Chu Quang Hào cùng lên xe, dẫn chúng tôi tới điểm chi trả ngay trong đầu chiều cùng ngày. Xe của đoàn men dọc theo bờ con sông Lam, gấp rút tới huyện Anh Sơn để kịp với giờ chi trả lương.

"Chủ nhà"- anh Hào bắt đầu câu chuyện không phải bằng những con số báo cáo thành tích, mà là những câu chuyện mang đầy tình cảm về việc chi trả lương hưu cho những người đã có đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển của đất nước, nay được hưởng chế độ hưu trí.

 "Nghệ An là đất có truyền thống cách mạng, các cụ về hưu hầu hết là những cán bộ đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, những lão thành cách mạng đáng kính trọng, do đó, việc chi trả lương không đơn giản chỉ là đem tiền đi phát, mà phải rất cẩn trọng trong cách cư xử. Nói một cách rất tình cảm, và rất thật là với những người ở độ tuổi đã nghỉ hưu, cần được nghỉ ngơi và sự chăm sóc, quan tâm của con cái, họ rất dễ bị tổn thương, nên càng phải có cách phục vụ khác biệt…", anh Hào nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Chia sẻ khá nhiều điều thú vị quanh chuyện chi trả lương, BHXH, anh Hào cho biết, toàn ngành bưu chính có tới 70% là nữ, nên các Bưu điện rất có sẵn đội ngũ nhân viên nữ trẻ, năng động tăng cường cho công tác chi trả lương, BHXH.

Có lẽ vậy, nên công tác chi trả có phần sôi động hơn so với hình thức cũ. Nhiều bác khó tính là vậy, nay thấy khá vui vẻ chấp nhận hình thức lẫn phong cách phục vụ mới.

Câu chuyện bị cắt ngang khi xe qua một khúc quanh bên sườn một con núi, một cơn mưa rừng ập đến, xối xả. Cả đoàn trở lại với những lo lắng, sợ rằng chuyến đi bất thành bởi cơn mưa có thể làm giãn đoạn buổi chi trả lương.

Sau khi điện thoại chỉ đạo và hỏi tình hình tại điểm chi trả, anh Hào trấn an: " Bão "chết cò" Bưu điện vẫn phải có mặt đúng giờ để chi trả. Các cụ tới nhận lương phần lớn là các cán bộ đã về hưu, các lão thành cách mạng, họ có thói quen làm gì cũng rất đúng giờ, nên mình cũng không thể chậm trễ được…".

Rất may, khi tới xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, cơn mưa cũng vừa dứt. Đoàn vào tới sân trụ sở Ủy ban xã đã nghe thấy tiếng loa gọi tên từng người tới nhận lương.

Ảnh minh họa

Cán bộ chi trả tại xã Lĩnh Sơn rất nhiệt tình giải thích cho các cụ

Anh Hào cho biết, Bưu điện tỉnh Nghệ An là  một trong 8 tỉnh (Long an, Quảng Trị, Tuyên Quang, Cần Thơ, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắc Lắc) được thí điểm tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu điện. Bắt đầu triển khai từ tháng 5/2012.

Nghệ An được coi là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất nước ( 16.490 km2), địa hình khó khăn với 10/20 huyện thị là miền núi, 5 huyện là miền núi cao. 3 huyện triển khai giai đoạn 1 (gồm: Anh Sơn, Kỳ Sơn, Quỳ Châu), với tổng số 54 điểm chi trả,  đều có địa hình phức tạp, hiểm trở, làm cho việc đi lại khó khăn hơn.

Tuy nhiên, điều thú vị  là, trong số những tỉnh đang thí điểm, Nghệ An lại là tỉnh có tỷ lệ chi trả lớn nhất, xấp xỉ 100%.

Trong 5 tháng qua (từ tháng 5 đến tháng 9/2012), Bưu điện tỉnh thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH bình quân là 6.502 đối tượng/tháng. Tỷ lệ chi trả bình quân đạt 99,75%.

Huyện Anh Sơn nơi chúng tôi đến là huyện có tổng số đối tượng và số tiền nhận chi trả nhiều nhất so với 2 huyện đang cùng thí điểm là Kỳ Sơn và Quỳ Châu. Trung bình hàng tháng có khoảng hơn 4.600 đối tượng đã được chi trả, có tháng Bưu điện huyện Anh Sơn đạt tỷ lệ chi trả tới 99,99%.

Riêng tại điểm chi trả ở xã Lĩnh Sơn, huyện An Sơn, có khoảng 437 người được chi trả lương, bảo hiểm xã hội với tổng số tiền khoảng 1,2  tỷ đồng.  Đông là vậy, nhưng việc chi trả lương, BHXH diễn ra khá nhanh (khoảng 2 tiếng đồng hồ) và rất trật tự.

Trước đây, việc chi trả lương hưu, BHXH do Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An lo tổ chức chi trả. Lực lượng cán bộ đi thực hiện rất eo hẹp, nên việc nhận lương hưu mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, trong quá trình chi trả cũng có nhiều phát sinh khiến công việc này tưởng như đơn giản lại thành phức tạp, vất vả.

Hòa vào không khí vui vẻ của buổi chi trả lương, chúng tôi nhanh chóng bắt chuyện với rất nhiều cụ cao tuổi. Gặp một cụ vừa nhấm cốc nước chè tươi, vừa  loay hoay đếm đi đếm lại khoản tiền lương vừa lĩnh, chưa kịp hỏi, cụ đã cười nói: "Tôi đang kiểm xem có tiền rách không để đổi ngay". Trước đây, nhiều người rất khó chịu vì phải cầm tiền rách, nát, phân vân chả biết có tiêu nổi hay không, nay thì thoải mái đổi. "Ở nông thôn, 1.000, 2.000 đồng tiền lẻ cũng quý lắm. Có khi cả ngày chúng tôi cũng chỉ tiêu có thế thôi đấy", ông cụ cho biết.

Lúc này, mọi người mới hiểu cái chỉ đạo gây cười cho cả đoàn, tưởng quá nhỏ so với vị trí là Phó Tổng Giám đốc hóa ra lại rất quan trọng.

Ảnh minh họa

Mong mô hình sẽ được nhân rộng

Cách phối hợp giữa Bưu điện và Bảo hiểm xã hội trong việc chi trả lương hưu, BHXH đã khắc phục được nhiều khó khăn trước đây, đồng thời đã đem lại một phong cách phục vụ mới trong việc chi trả lương hưu,công việc xưa nay vốn bị coi là nhàm chán, đơn giản, không cần quan tâm nhiều tới thái độ phục vụ. Không chỉ vậy, việc chi trả thông qua một doanh nghiệp Nhà nước khiến những người thuộc diện về hưu tin tưởng hơn khi những khoản tiền chi trả được nhận đúng hẹn, kịp thời và an toàn.

Ông Phạm Kim Như, 80 tuổi, nguyên là cán bộ Tổng cục Lâm nghiệp, trú tại thôn 10, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, cho biết: " Tôi đi lĩnh lương chỉ mất khoảng gần 1 tiếng. Thái độ phục vụ của các cán bộ ở đây rất tốt và rất có trách nhiệm..".

Ông Như cũng tâm sự: " Trước đây, việc chi trả lương theo hình thức cũ, thái độ của một số cán bộ không được vui vẻ cho lắm, nhất là lúc đổi tiền cũ, rách…".

Cũng hồ hởi khi được nhận lương hưu theo hình thức mới, nhưng lại có chia sẻ khác, bác Mai Thị Diệu, 66 tuổi, ở thôn 5, xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn, là giáo viên về hưu nói với phóng viên VnMedia: " Trước đây, chỉ có khoảng 3-4 người đến phát lương, nay có nhiều người phục vụ chi trả lương hơn, nên thời gian chi trả nhanh hơn so với trước đây".

" Thái độ của những cán bộ đến chi trả lương rất vui vẻ, kể cả trước đây. Nhưng do trước đây ít người nên phải chờ khá lâu, lĩnh xong lương cũng phải mất đến nửa buổi đấy…", bác Diệu nói thêm.

Thấy có phóng viên tới tham dự buổi chi trả lương, bác Phạm Kim ba, 78 tuổi cũng thuộc xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn chủ động nói với phóng viên, hình thức chi trả này rất tốt, gọn nhẹ. Tiền được để vào phong bì và thủ tục rất nhanh gọn.

Bác Ba đề đạt : " Hình thức này nên dược duy trì. Vì các cán bộ ở đây phục vụ rất tốt, chi trả nhanh, ít phải chờ đợi, người già thường muốn nhanh gọn để về nghỉ ngơi….".

Cũng giống như rất nhiều ý kiến khác, ông Phạm Kim Như cũng mong muốn tiếp tục được duy trì hình thức trả lương như hiện nay.

Ảnh minh họa

Trở lại làm việc với Bưu điện tỉnh Nghệ an, nhiều cán bộ tại đây tâm sự, được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như hiện nay, phải kể đến những vất cả của các cán bộ bưu điện khi phải kiên nhân giải đáp, thuyết phục cho người dân thuận theo hình thức mới này.

Anh Hào cho biết hồi mới áp dụng hình thức chi trả lương qua bưu điện, nhiều công đoạn chi trả trước đây vẫn thực hiện theo thói quen, không theo quy định của cơ quan Bảo hiểm xã hội, ví dụ như nhận thay không cần giấy ủy quyền nhận tiền không xuất trình chứng minh thư nhân dân… nên khi Bưu điện triển khai đúng theo quy định đã gặp phản ứng từ phía người hưởng.

Chính công đoạn chi trả theo thói quen đó, đã khiến nhiều trường hợp nhận tiền mà không trả lại cho người được hưởng. Đây cũng là nguyên nhân, buộc phải có giấy ủy quyền khi tới nhận tiền, nhằm đảm bảo an toàn cho người được hưởng.

Sau này, người dân cũng hiểu ra, việc viết giấy ủy quyền cũng chính là đảm bảo quyền lợi cho chính mình, chứ không phải là thủ tục rườm rà nào cả.

Tuy vậy, Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An cho biết, Bưu điện cũng đề đạt nguyện vọng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét, cho phép kéo dài thời hạn ủy quyền (tối thiểu 01 năm) để giải quyết vấn đề tâm lý và tạo điều kiện thuận lợi tốt đa cho người hưởng, nhất là những trường hợp người già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn.

Gặp gỡ với lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ, thời gian đầu triển khai việc chi trả lương, BHXH, cán bộ của BHXH phải đi cùng với cán bộ Bưu điện, để giám sát và giải đáp những thắc mắc của người dân. Sau này, Bưu điện và BHXH đã có nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ bưu điện, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp đi chi trả cho các đối tượng thụ hưởng lương, BHXH.

Ảnh minh họa

Ông Hoàng Xuân Đường – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An (bên trái), đánh giá cao mô hình chi trả lương qua bưu điện

Trên thực tế, Bưu điện tỉnh cũng đã lập đường dây nóng để giải đáp, giải quyết mọi trường hợp. Ngoài ra, cũng tiếp tục có những lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ. Đến nay, công tác chi trả đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tốt trong dư luận.

Trao đổi với đoàn nhà báo, đồng chí Hoàng Xuân Đường  – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, ngành Bưu chính từ khi được tách ra đến nay, cán bộ, công nhân viên đã có rất nhiều cố gắng .

“Mới đầu, khi thực hiện chủ trương chia tách này, chúng tôi cũng rất lo cho Bưu điện của tỉnh Nghệ An. Bởi khi chuyên vào lĩnh vực Bưu chính sợ anh em sẽ gặp nhiều khó khăn, khó khăn trong công ăn việc làm và cho các phương thức hoạt động khác. Nhưng, qua một thời gian hoạt động, Bưu chính Nghệ An đã rất đoàn kết và đã có nhiều hướng để phục vụ tốt. ví dụ như phục vụ báo Đảng trong ngày, đạt tỷ lệ cao (92%).

Mặc dù chúng tôi đi từ Vinh lên tới Kỳ Sơn cũng 300 km, bằng từ Vinh đi Hà Nội. Nhưng đường đi ra Hà Nôi còn dễ đi hơn so với đường miền núi. Do đó thời gian cũng mất dài hơn. Đó là chưa kể đi tới các xã vùng xâu vùng xa….", ông Đường nói.

Về việc Bưu điện tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương của Chính phủ, chi trả lương, BHXH qua hệ thống bưu điện, ông Đường cho rằng, đây là chủ trương mà cán bộ Bưu điện tỉnh Nghệ An nắm bắt rất nhanh, và đã tham mưu cho tỉnh đề ra một kế hoạch và quán triệt để làm thí điểm.

"Chúng tôi cho rằng,cách đi như vậy là đúng hướng, và đúng chức năng, nhiệm vụ. Việc triển khai cũng rất thận trọng, cách chọn để thí điểm cũng rất hợp lý. Về kết quả, cán bộ Bưu điện đã phối hợp rất tốt giữa BHXH tỉnh và Bưu điện tỉnh Nghệ An. Cụ thể là anh em đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nghiệp vụ, nhất là anh em làm bưu điện cấp xã. Triển khai như vậy, tôi cho là khá bài bản.

Qua việc triển khai trên, chúng tôi thấy có mấy cái được như thế này: Đó là đã tận dụng được số anh em, cán bộ, có đào tạo chuyên môn, để phục vụ tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, nhưng cũng rất sành sỏi nắm từng đối tượng trong xã đó. Địa bàn thông thuộc cho nên trực tiếp chi trả cho các đối tượng được hưởng BHXH và những người nhận lương hưu trong xã đó là rất thuận lợi".….", Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An- Hoàng Xuân Đường nhận xét.

Trên cơ sở triển khai dịch vụ chi trả lương hưu, BHXH, chuyển chứng minh thư, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, sắp tới, Bưu điện tỉnh Nghệ An cần triển khai mở rộng ra trên diện rộng hơn.

Vị Phó Chủ tịch tỉnh cũng tiết lộ, vừa rồi tỉnh Nghệ An đã ký văn bản đồng ý đề nghị cơ quan trung ương tiếp tục cho Bưu điện mở rộng ra không chỉ ở  3 huyện như hiện nay.

Với thế mạnh của ngành Bưu điện về mạng lưới, đội ngũ cán bộ, hy vọng rằng, mô hình chi trả lương hưu, BHXH qua bưu điện sẽ được nhân rộng ra toàn ngành trên cả nước. Qua mô hình mới này, từng bước thể hiện vai trò của Bưu điện trong việc tiếp cận và cung cấp các dịch vụ công của nhà nước đến cộng đồng, góp phần nâng cao công tác an sinh xã hội, khẳng định vai trò của Bưu chính quốc gia hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu phát triển và lợi ích chung của toàn xã hội.

Khổng Nhung – (bài,ảnh)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét