Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

Tết của người Nghệ xa xứ


Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gói bánh chưng đón năm mớiLao động Việt Nam tại Hàn Quốc gói bánh chưng đón năm mới

Xứ Nghệ vốn nghèo, bởi vậy người Nghệ hết sức chịu khó trong lao động, sản xuất, và cũng tích cực tham gia xuất khẩu lao động. Chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng lượng lao động phổ thông Nghệ An làm việc ở nước ngoài khá lớn, thuộc vào top đầu của cả nước.

Tết đến, người Nghệ xa xứ vẫn cố gắng để được hưởng không khí như ở quê nhà, cũng có bánh chung, giò chả, nem, thịt đông, dưa hành… Dù không được đầy đủ như ở nhà nhưng họ đã có một cái Tết ấm áp hơn nơi đất khách, quê người.

Chị Hoàng Thị Soa (47 tuổi, quê huyện Hưng Nguyên) đã có 8 năm làm giúp việc tại Đài Loan. Đồng nghĩa với đó là chị đã có 8 năm ăn Tết xa nhà. "Như mọi năm, còn có các chị em trong nhà, trong xóm sang đây làm việc nên ngày Tết được nghỉ một vài hôm, mấy chị em tụ tập ăn uống liên hoan mừng năm mới. Gặp được nhau là quý rồi, chỉ làm mấy món ăn truyền thống của Việt Nam để liên hoan với nhau thôi. Năm nay mọi người đã hết hạn hợp đồng nên về nước hết cả, chỉ có mình tôi ăn Tết nơi xứ người. Những ngày này, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ các con lắm".

Không có lá dong, lá chuối, chị Soa phải dùng lá chuối cảnh, dây dù để gói bánh chưng

Còn một mình, chị Soa quyết định tự gói bánh chưng để đón Tết dù rằng gần 10 năm trôi qua chưa được nếm chiếc bánh chưng mang đúng hương vị quê hương. Cũng may người Đài Loan cũng ăn Tết gần giống người Việt nên việc tìm kiếm nguyên liệu để gói bánh không phải là quá khó. Thế nhưng tìm được lá gói bánh mới thực sự gian nan.

Ở nơi chị Soa sinh sống không dễ tìm được lá dong để gói bánh bởi vậy phương án dùng lá chuối gói được tính đến. Thế nhưng khí hậu ở đây quá khắc nghiệt, những tàu lá chuối trong vườn đã bị gió đánh rách te tua. "Không có lá thì không gói được nên tôi dùng lá chuối cảnh để gói. Dù đã luộc qua nước sôi nhưng lá vẫn cứng lắm, gần như phải lên gân để bẻ góc bánh chưng cho vuông vức. Không có ống dang nên phải dùng dây dù buộc thay", chị Soa cho biết.

Sau gần nửa ngày vật lộn với số nếp, thịt, hành, đậu, những chiếc bánh chưng cũng đã được hoàn thành, dù không đẹp như chiếc bánh cha hay chồng chị gói ở quê nhà. Thế nhưng đến công đoạn nấu bánh mới thực sự nan giải. Ở đây không có nồi nấu bánh nên cả chục chiếc bánh được cho vào… 2 cái chảo rồi đặt lên bếp ga để đun. Cũng may vì chị Soa giúp việc ở đây từ lâu rồi nên bà chủ nhà cũng khá dễ tính, dẫu hơi tiếc tiền ga đun bánh nhưng cuối cùng bà cũng miễn cưỡng đồng ý cho cô giúp việc nấu bánh chưng bằng bếp ga.

Bánh chưng của người Việt xa xứ được luộc bằng chảo

Cuối cùng những chiếc bánh chưng mang hương vị Việt Nam cũng đã được hoàn thành. Bà chủ nhà được làm khách mời đầu tiên thưởng thức "đặc sản" Việt Nam. "Bánh dẻo, ăn dính răng nhưng bà chủ khen ngon. Còn tôi, lần đầu tiên ăn miếng bánh chưng sau 8 năm đằng đẵng xa nhà sao mà thấy đắng quá, nước mắt cứ thế mà trào ra. Những ngày Tết xa xứ là lúc người lao động Việt Nam ở nước ngoài thấy buồn và cô đơn nhất", chị Soa tâm sự.

Anh Cao Văn Dũng (SN 1973, quê Yên Thành) đã có 6 năm ăn tết tại Malaixia chia sẻ: “Năm nay anh em lao động Việt Nam tại Malaixia được nghỉ Tết 2 ngày. Anh em ở đây tổ chức làm thịt lợn, gói bánh chưng ăn Tết. Hơi nhớ nhà nhưng cộng đồng người Việt Nam ở đây rất đoàn kết, gắn bó nên Tết cũng khá đầm ấm. Tết nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, gọi điện về nhà, nghe tiếng con lại trào nước mắt. Tết năm sau được về nhà với mọi người rồi.”

Đối với những lao động Nghệ An đang làm việc tại Hàn Quốc thì Tết cổ truyền là dịp được nghỉ ngơi. Người Hàn Quốc cũng ăn Tết theo lịch âm nhưng Tết Trung thu thường được tổ chức rất to, trong khi đó, Tết Nguyên đán chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn. Lao động Việt Nam cũng được nghỉ 2-3 ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Đây là năm thứ 2 Nguyễn Thái Nam (29 tuổi) đón Tết trên đất Hàn Quốc. "Tết năm ngoái mình đón Tết xa nhà đầu tiên. Mấy anh em mua lá dong, nếp, đỗ về gói bánh chưng đón Tết. Ăn bánh chưng, uống rượu Sô-chu mừng năm mới cũng thấy là lạ. Thời khắc giao thừa thấy nhớ nhà kinh khủng, con trai mà cũng suýt khóc. Năm nay quen đường xá rồi, anh em tổ chức đi chơi xa một chuyến, vừa sum họp, vừa tự cho mình phần thưởng sau một năm làm việc chăm chỉ".

Ở đất khách quê người, dẫu có bánh chưng nhưng vẫn chạnh lòng nhớ Tết quê hương

Còn đối với Nguyễn Đình Hòa (31 tuổi) thì Tết gắn với những kỉ niệm về bắn pháo hoa ở đất nước Hàn Quốc. "Ở đây cộng đồng người Việt Nam khá đông nên có hẳn cửa hàng bán thức ăn truyền thống của người Việt, trong đó có bánh chưng. Bọn mình mãi 30 Tết mới được nghỉ nên không có thời gian chuẩn bị hay nấu bánh. Mọi thứ mua sẵn ngoài cửa hàng. Tết, anh em đồng hương trong huyện ở khắp Hàn Quốc tụ họp với nhau (nói thế chứ đi từ Bắc tới Nam Hàn Quốc cũng chỉ mất có 8 tiếng xe bus), cùng uống rượu, ăn bánh chưng rồi đi hát karaoke.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh chàng này là sau khi đón giao thừa với anh em đồng hương ở Seoul, bắt xe bus vượt 400km trong gió tuyết để đón ngày đầu tiên trong năm với cô bạn gái ở mãi tỉnh Cang – uôn. Khỏi phải nói, cô bạn gái của Hòa bất ngờ đến thế nào.

"Đó là cái Tết duy nhất mình đón năm mới với cô ấy. Giờ cô ấy đã về Việt Nam và lấy chồng rồi. Bây giờ, ngoài công việc thì gia đình là mối quan tâm lớn nhất của mình. Năm mới, mình chỉ muốn gửi lời chúc tới tất cả thành viên trong gia đình sức khỏe, hạnh phúc, ấm áp, thành công hơn. Ở nơi xa này, cộng đồng người Việt Nam luôn hướng về quê hương, nguồn cuội", Hòa tâm sự.

Hoàng Lam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét