Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Tục thờ thần Sấm và giữ lửa của người Thái tại Nghệ An


Tục thờ thần Sấm có từ bao giờ, những người già nhất xã vùng biên Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng không còn nhớ nữa. Theo truyền thuyết còn lưu giữ lại, cách đây lâu lắm rồi, vào một năm, người Thái được mùa to lắm, ngô lúa chất đầy nhà. Mải mê với niềm vui được mùa, họ quên mất rằng nhờ Phà (Trời) ban mưa thuận gió hòa bà con mới được như thế. Tức giận, Phà sai thần Gió, thần Sấm và thần Mưa xuống trần gian để lấy lại những sản vật đã ban cho dân làng. Đoàn quân của Phà rùng rùng kéo xuống trần gian. Mở đầu là thần Sấm đánh những hồi trống dài dồn dập, giận giữ. 

Kế đến thần Gió quét chiếc chổi khổng lồ khiến toàn bộ nhà cửa đổ sập, cây cối, hoa màu ngã rạp. Thần Mưa vươn cái vòi khổng lồ của mình xuống dòng Nậm Nơn hút nước lên đổ xuống đống đổ nát mà thần Gió đã gây ra. Bỗng chốc cả vùng đất trù phú, giàu có trở nên tan hoang. Người Thái đối mặt với cái đói, cái rét. Cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại, dân làng sửa soạn một mâm cúng xin Phà rủ lòng thương. Thấy người dân đã biết hối lỗi, Phà giao cho thần Sấm chịu trách nhiệm đưa lại mưa thuận gió hòa cho bản làng. Từ đó người Thái ở Mỹ Lý bắt đầu thờ thần Sấm.

Thần Sấm được thờ cúng cùng Tổ tiên

Lễ hội Pu Nhạ Thầu của đồng bào Thái ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Lễ hội Pu Nhạ Thầu của đồng bào Thái ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Để đảm bảo cho việc thờ thần Sấm được thực hiện đúng nghi lễ, dân bản bầu ra một người, thường là người có uy tín nhất bản, thay mặt người dân đứng ra "thương thuyết" với thần Sấm. Người này sẽ đảm đương nhiệm vụ này cho đến hết đời. Đặc biệt, "người thương thuyết" không phải theo tục cha truyền con nối mà mỗi khi già qua đời, dân bản tổ chức bầu một già khác để đảm đương công việc quan trọng này. Nghi lễ cúng thần Sấm được tiến hành một cách trang trọng trong gia đình của chính già bản. Nghi lễ đó cũng không theo một ngày cụ thể nào. 

Già bản Lữ Văn Vĩnh (64 tuổi) – bản Xiềng Tắm (Mỹ Lý) cho biết: "Cứ ngày đầu tiên có tiếng sấm trong năm, già bản sẽ một mình cầm rựa phát cây cối tạo thành "một đường lên trời cho thần Gió đi xa khỏi bản", đường càng dài càng tốt. Sau khi phát xong con đường đích thân già bản sẽ chuẩn bị mâm cỗ để dâng lên thần Sấm, phụ nữ, trẻ con không được lai vãng ở gần để tránh làm cho thần nổi giận". Trong khi già bản phát đường lên núi thì tất cả dân bản mang dụng cụ lao động, mâm chậu đồng gõ vào nhau để mừng thần Sấm. Theo kinh nghiệm của già Vĩnh, nếu tiếng sấm đầu tiên trong năm xẩy ra vào ban ngày thì năm đó sẽ có hạn hán nặng, mất mùa. Tiếng sấm đầu năm vào ban đêm, năm đó sẽ có mưa thuận, gió hòa, trời sẽ cho mùa vàng bội thu.

Cỗ cúng thần Sấm bao gồm thịt, cá, xôi được gói riêng từng gói, mỗi loại phải đủ 2 gói, một đĩa rau rừng, một vò rượu cần và trầu cau. Tất cả được xếp vào mâm đồng và dâng lên bàn thờ. Khi cúng nhất thiết phải thắp nến được làm bằng sáp ong để soi đường cho thần Sấm đi. Già làng sẽ thay mặt dân bản cảm ơn thần Sấm trong suốt một năm qua đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nhà, trâu lợn đầy gầm sàn và mong muốn thần tiếp tục phù hộ để dân làng có thêm nhiều sức khỏe, sản xuất thuận lợi… Trong 3 ngày tiếp theo dân làng nhất thiết không được vác rìu, vác dao vào rừng, kiêng đốt quả ớt khô và không được chặt gỗ phá rừng để tránh làm thần Sấm nổi giận. Đến tận bây giờ, vì sao phải kiêng cữ như thế chính già Vĩnh cũng không biết, chỉ "nghe tổ tiên truyền lại vậy".

Thần Sấm có một ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Thái, bởi vậy thần Sấm cũng được thờ cùng với tổ tiên. Vào dịp Tết, nghi lễ cúng thần Sấm sẽ được thực hiện sau khi nghi lễ cúng gia tiên đã hoàn thành. Lần này già làng không phải dọn đường lên núi cho thần Gió đi nữa mà chỉ cần chuẩn bị mâm cỗ và bái vọng lên trời. Sau khi già bản hoàn tất nghi lễ, các nhà trong làng cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng thần Sấm ở bàn thờ nhà mình. Mâm cỗ cúng thần ở mỗi nhà nhất thiết phải có 2 gói thịt, 2 gói cá, 2 gói xôi, rau, rượu cần và trầu cau. 

Chủ nhà sẽ chuẩn bị một đồng bạc trắng cùng các vị thuốc bắc rửa thật sạch cho vào một bát nước. Mọi người trong nhà đều phải rửa mặt bằng thứ nước này để được thần Sấm che chở cho khỏe mạnh, làm ăn suôn sẻ và trường thọ. Khi cây nến bằng sáp ong cháy hết, mâm cỗ sẽ được hạ xuống chia cho mọi người trong nhà và mời những người quen trong bản đến chung vui. Các sản vật chuẩn bị đón tết được chủ nhà đưa ra thết đãi khách. Mọi người cùng ăn uống nhảy múa và ca hát cho đến hết ngày hôm đó. "Trước đây nghi lễ cúng thần Sấm kéo dài đến 3 ngày nhưng nay rút lại chỉ còn một ngày thôi", già Vĩnh cho biết.

Giữ lửa đêm 30 Tết

Nếu như nghi lễ cũng thần Sấm trở thành một nét tâm linh độc đáo của người Thái ở Kỳ Sơn thì người Thái ở huyện Con Cuông ghi dấu ấn của tộc người mình bằng phong tục giữ lửa trong ngày Tết. Đối với người Thái, lửa có vị trí hết sức quan trọng, không những duy trì công việc nấu nướng mà còn là vũ khí xua đuổi tà ma, thú dữ hay chống chọi với những đêm đông khắc nghiệt của miền sơn cước. Trong ngày 30 Tết, mọi gia đình người Thái đều chọn những thanh củi to, chắc, thẳng nhóm bếp. Bếp lửa đó phải cháy rực đỏ đến hết ngày đêm. 

Tối 30, sau khi tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, múa xòe, cả gia đình sẽ trở về quây quần bên bếp lửa đỏ rực. Những vui buồn, thành quả lao động trong suốt một năm qua được đưa ra "rút kinh nghiệm" quanh bếp lửa. Trong những câu chuyện đó, người cha, người mẹ sẽ không quên nhắc nhở các con về tầm quan trọng của tục giữ lửa của dân tộc mình. Tới đêm khuya, khi lửa đã tàn, than đã vạc, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong nhà có trách nhiệm phải vùi tro để giữ than. Sáng mồng Một Tết, khi cả nhà thức dậy đón năm mới, cời đám tro ra, lấy cục than hồng đó để nhen bếp lửa mới. Việc chuẩn bị củi để nhóm bếp lửa trong những ngày Tết phải do đích thân người đàn ông trụ cột trong nhà làm và có sự trợ giúp của những người con trai. 

Bởi vậy, bên cạnh chuẩn bị mâm cỗ, rượu cần để dâng lên ông bà tổ tiên, những người đàn ông trong nhà có trách nhiệm lên rừng đốn củi chuẩn bị tết, củi phải là những cây khô thật thẳng, chắc đét. Có như vậy lửa mới đượm, than mới lâu tàn. Người Thái cho rằng giữ lửa cũng như giữ nếp nhà. Bởi vậy, bất cứ người con trai, con gái Thái nào khi lớn lên, trước khi được dựng vợ gả chồng đều được cha, mẹ hay ông bà truyền đạt lại kinh nghiệm giữ lửa đêm 30 Tết. Theo quan niệm còn lưu truyền, gia đình nào giữ được than hồng qua đêm đông lạnh buốt ấy thì sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, con cháu đề huề, đoàn kết, hạnh phúc. Ngược lại, nếu bếp lửa bị tàn, năm tới gia đình đó sẽ gặp xui xẻo.

Hoàng Lam



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét