Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Hai trận động đất trong đêm tại Nghệ An


Hai trận động đất trong đêm tại Nghệ An

* Cùng lúc xuất hiện áp thấp nhiệt đới và triều cường

TTO – Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết hai trận động đất có độ lớn 3,3 và 3,2 độ Richter đã xảy ra tại huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vào đêm 29-9.

Cụ thể, trận thứ nhất xảy ra vào hồi 19g57 ngày 29-9 có độ lớn 3,3 độ Richter, độ sâu chấn tiêu là 17km, chấn tâm động đất ở địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Trận động đất này được đánh giá có thể gây nên rung động cấp IV (theo thang MSK-64) ở khu vực gần thị trấn Quỳ Hợp và lân cận.

Tiếp đó, vào hồi 22g46 ngày 29-9 lại xảy ra một trận động đất có độ lớn 3,2 độ Richter tại vị trí khá gần với trận động đất 3,3 độ Richter trước đó và có độ sâu chấn tiêu là 17km. Chấn tâm động đất ở địa bàn huyện Quỳ Hợp.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) vẫn đang tiếp tục theo dõi động đất ở khu vực Quỳ Hợp.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ngày 30-9, áp thấp nhiệt đới hoạt động cách bờ biển các tỉnh Bình Định – Khánh Hòa khoảng 400km về phía đông.

Đường đi và vị trí cơn bão – Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (từ 50-61km/giờ), giật cấp 8-9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão số 7.

Ngày mai (1-10), có khả năng bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62-74 km/giờ), giật cấp 9-10, sau đó có thể đổi hướng di chuyển từ bắc đông bắc theo hướng tây, ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Hoàng Sa.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Biển động mạnh. Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa rào kèm dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Trong khi đó theo bản tin dự báo mới nhất của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, vùng hạ lưu sông Sài Gòn đang xuất hiện đợt triều cường lớn, đỉnh triều có khả năng vượt mức báo động 3.

Cụ thể, theo dự báo khoảng 16g30 chiều nay (30-9), đỉnh triều tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn sẽ đạt 1,4m (mức báo động 2).

Ngày mai (1-10), đỉnh triều sẽ lên 1,52m (mức báo động 3 là 1,5m) vào khoảng 5g và 1,45m lúc 17g.

Đến ngày 2-10, đỉnh triều sẽ đạt 1,54m vào lúc 5g30 và 1,48m lúc 17g30. Sau đó đỉnh triều sẽ hạ còn 1,52m, 1,49m trong ngày tiếp theo.

Áp thấp nhiệt đới gây mưa trên diện rộng tại Nam bộ xuất hiện cùng thời điểm triều cường cao nên có khả năng kết hợp gây ngập nhiều nơi tại TP.HCM, đặc biệt các vùng trũng, thấp như quận 2, 6, 8, gây sạt lở, bể bờ bao ở các quận huyện Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh…

TUẤN PHÙNG – QUANG KHẢI



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét